Kiểm kê khí nhà kính là gì? 9 bước quy trình kiểm kê
Hoạt động kiểm kê khí nhà kính có tầm quan trọng quan trọng đối với việc đánh giá và quản lý tác động của con người lên biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong hệ thống khí quyển. Do đó, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới luôn có sự quan tâm và dành những chính sách đặc biệt đối với hoạt động kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp. Để bạn đọc hiểu được tầm quan trọng và các quy định liên quan mới nhất, Vinacontrol CE sẽ cung cấp các thông tin dưới đây.
1. Kiểm kê khí nhà kính là gì?
1.1 Khí nhà kính là gì?
Khí nhà kính (KNK) là một tập hợp các khí tự nhiên và nhân tạo có khả năng gây hiệu ứng nhà kính trên Trái Đất. Các khí này có khả năng hấp thụ và tỏa lại nhiệt độ, giữ lại nhiệt năng từ ánh sáng mặt trời và gây ra sự gia tăng của hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng mà các khí nhà kính tạo ra một lớp chăn bức xạ trong khí quyển, giữ lại nhiệt và làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất.
KNK bao gồm cacbon đioxit (CO2), metan (CH4), dinitơ oxit (N2O), các hợp chất Hydro florua cacbon (HFCs), các hợp chất perflorua cacbon (PFCs), và sunfua hexaflorua (SF6). Ngoài ra, đơn vị thống kê KNK được sử dụng chính là Cacbon dioxit tương đương (carbon dioxide equivalent), được ký hiệu là CO2e.
Do đó, để thích ứng với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp phải có khả năng nắm bắt và quản lý rủi ro liên quan đến hoạt động phát thải KNK của mình để đảm bảo thành công lâu dài trong môi trường kinh doanh cạnh tranh, đồng thời để chuẩn bị tốt cho việc ĐÁP ỨNG CÁC CHÍNH SÁCH KHÍ HẬU CỦA CÁC NHÃN HÀNG QUỐC TẾ, QUỐC GIA HOẶC KHU VỰC.
Khí nhà kính (KNK) là một tập hợp các khí tự nhiên và nhân tạo có khả năng gây hiệu ứng nhà kính trên Trái Đất
✍ Xem thêm: Hồ sơ môi trường là gì? 3 loại hồ sơ môi trường cần biết
1.2 Kiểm kê khí nhà kính
Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về “Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn” được Chính phủ ban hành ngày 07 tháng 01 năm 2022 quy định:
“Kiểm kê khí nhà kính (KNK) là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.”
Các tổ chức có tư duy tiến bộ đã bắt đầu TỰ NGUYỆN kiểm kê KNK và tuyên bố kết quả phát thải KNK với mục đích như quản lý rủi ro, giảm chi phí, bảo vệ thương hiệu và thu hút nguồn vốn đầu tư có trách nhiệm với xã hội.
✍ Xem thêm: Giấy phép môi trường là gì? Thủ tục cấp giấy chi tiết
1.3 Đối tượng phải thực hiện kiểm kê
Doanh nghiệp có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:
- Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên;
- Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
- Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
- Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.
✍ Xem thêm: Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường là gì? Hướng dẫn chi tiết
2.4 Các lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính
Có 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê bao gồm:
1) Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng, Tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than, dầu, khí tự nhiên
2) Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải
3) Xây dựng: tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng
4) Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ôzôn; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác
5) Nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp.
6) Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.
Có 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính
✍ Xem thêm: Chứng nhận ISO 9001 | Tư vấn hệ thống quản lý chất lượng
2. Khi nào doanh nghiệp nên kiểm kê khí nhà kính?
2.1 Thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định pháp luật
► Đối với công ty phát thải khí nhà kính
Luật bảo vệ Môi trường 2020 quy định kể từ ngày 01/01/2022, các doanh nghiệp thuộc Danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê Khí nhà kính. Cụ thể, theo Mục 7 Điều 91 Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có quy định Cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:
Trách nhiệm |
Thời hạn |
Thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính; Gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 12 của kỳ báo cáo để tổng hợp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ; |
Định kỳ 02 năm một lần |
Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở. |
Hằng năm |
Lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan. |
Hằng năm trước ngày 31 tháng 12 của kỳ báo cáo.
|
Doanh nghiệp chú ý kiểm kê khí nhà kính đúng thời hạn quy định
► Đối với công ty đại chúng
Theo Mục 2, Điều 10, Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 đề cập nội dung báo cáo về phát thải khí nhà kính trong Báo cáo thường niên áp dụng cho công ty đại chúng như sau:
“Công ty đại chúng phải lập báo cáo thường niên theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này và công bố báo cáo này trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán nhưng không vượt quá 110 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Thông tin tài chính trong báo cáo thường niên phải phù hợp với báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán”.
► Các trường hợp khác
Ngoài ra, tại Mục 6 phần II Phụ lục IV có nêu thêm các quy định liên quan đến báo cáo gồm:
“Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty/ Environment-Social-Governance (ESG) Report of the Company”
6.1. Tác động lên môi trường:
Tổng phát thải khí nhà kính (GHG) trực tiếp và gián tiếp/Total direct and indirect GHG emission
Các sáng kiến và biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính/ Measures and initiatives to reduce GHG emission.”
Mục 6 phần II Phụ lục này, công ty có thể lập riêng thành Báo cáo phát triển bền vững, trong đó các mục 6.1, 6.2 và 6.3 không bắt buộc đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
2.2 Tự nguyện thực hiện theo yêu cầu của khách hàng
Một số doanh nghiệp sẽ tự nguyện thực hiện Kiểm kê KNK và tiến hành công bố thông tin đại chúng về báo cáo kiểm kê KNK. Đây là trường hợp doanh nghiệp tự ý thức và chủ đông triển khai thực hiện.
Lợi ích khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính
✍ Xem thêm: Chứng nhận ISO 14001 | Xây dựng hệ thống quản lý môi trường đạt chuẩn
3. Lợi ích khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Dưới đây là một số tầm quan trọng của hoạt động kiểm kê khí nhà kính:
- Đánh giá tác động của hoạt động con người: Kiểm kê khí nhà kính giúp xác định lượng khí nhà kính được phát thải từ các nguồn khác nhau, như năng lượng sản xuất, vận tải, công nghiệp, nông nghiệp và chế độ sinh thái. Việc đo lường và kiểm kê này cho phép chúng ta đánh giá tác động của các hoạt động con người đối với biến đổi khí hậu và môi trường tự nhiên.
- Định hình chính sách và quyết định: Dữ liệu từ kiểm kê khí nhà kính cung cấp thông tin cơ bản để định hình chính sách và quyết định liên quan đến biến đổi khí hậu. Chính phủ, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp sử dụng thông tin này để xác định mục tiêu giảm khí nhà kính, thiết kế các chương trình giảm phát thải và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.
- Giám sát tiến độ giảm phát thải: Kiểm kê khí nhà kính đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát tiến độ giảm phát thải khí nhà kính. Dữ liệu từ kiểm kê giúp theo dõi hiệu quả của các biện pháp giảm phát thải, xác định các nguồn phát thải quan trọng và xác minh sự tuân thủ của các quy định về giảm khí nhà kính.
- Đo lường tiến bộ và báo cáo: Kiểm kê khí nhà kính cung cấp cơ sở để đo lường tiến bộ trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy báo cáo liên quan đến biến đổi khí hậu. Dữ liệu từ kiểm kê có thể được sử dụng để so sánh hiệu suất giữa các quốc gia, ngành công nghiệp và tổ chức khác nhau.
- Nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh: Dữ liệu từ kiểm kê khí nhà kính cung cấp thông tin cần thiết để nghiên cứu và phát triển các công nghệ xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua việc phân tích dữ liệu, chúng ta có thể xác định các ngành công nghiệp, quy trình sản xuất hoặc hoạt động có tác động lớn đến biến đổi khí hậu và tập trung vào nghiên cứu giải pháp công nghệ để giảm thiểu tác động đó.
- Giao tiếp và tạo động lực: Kết quả từ hoạt động kiểm kê khí nhà kính có thể được sử dụng để giao tiếp với công chúng và tạo động lực cho sự thay đổi. Dữ liệu và thông tin về lượng khí nhà kính được phát thải và tác động của chúng có thể giúp tăng nhận thức về biến đổi khí hậu và tạo ra sự nhận thức về tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính.
- Thúc đẩy hợp tác quốc tế: Hoạt động kiểm kê khí nhà kính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu. Dữ liệu chính xác và công bằng từ kiểm kê giúp xây dựng niềm tin và sự thống nhất giữa các quốc gia, từ đó tạo ra cơ sở để đạt được các thỏa thuận và cam kết toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính.
Biến đổi khi hậu do khí nhà kính
✍ Xem thêm: Khóa học đánh giá nội bộ ISO 14001 | Thực hành thực tiễn tại doanh nghiệp
4. Quy trình thực hiện kiểm kê nhà kính
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 17/2022/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải. Theo đó, quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực quản lý chất thải được thực hiện qua 09 bước (từ Điều 6 đến Điều 13 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT) như sau:
Bước 1: Xác định phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực
Phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực được căn cứ theo Hướng dẫn kiểm kê quốc gia khí nhà kính phiên bản năm 2006 (sau đây gọi tắt là hướng dẫn IPCC 2006) và Hướng dẫn kiểm kê quốc gia khí nhà kính năm 2019 hoàn thiện cho IPCC 2006 (sau đây gọi tắt là hướng dẫn IPCC 2019).
Phương pháp kiểm kê chi tiết cho từng tiểu lĩnh vực được thực hiện theo quy định tại Phụ lục I.1 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT.
Bước 2: Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực
Hệ số phát thải được sử dụng để kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực được áp dụng theo danh mục hệ số phát thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Bước 3: Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực
Số liệu hoạt động để kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực được tham khảo từ hướng dẫn IPCC 2006, IPCC 2019.
Nguồn số liệu hoạt động được thu thập từ Tổng cục thống kê, các cơ quan có liên quan ở cả trung ương và địa phương.
Nguyên tắc, quy trình và biểu mẫu thu thập số liệu hoạt động thực hiện theo quy định tại Phụ lục I.2 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT.
Bước 4: Tính toán phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực
Việc tính toán phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực căn cứ theo các phương pháp kiểm kê khí nhà kính được quy định tại Bước 1.
Kết quả kiểm kê khí nhà kính được tính toán, tổng hợp trên cơ sở các biểu mẫu về số liệu hoạt động, hệ số phát thải, hệ số nóng lên toàn cầu cho các nguồn phát thải, hấp thụ được kiểm kê khí nhà kính của lĩnh vực chất thải.
Bước 5: Kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực
Quy trình kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải được căn cứ theo hướng dẫn IPCC 2006 và hướng dẫn IPCC 2019.
Các hoạt động trong quy trình bao gồm:
- Kiểm tra sự toàn diện, chính xác và đầy đủ của số liệu
- Kiểm tra các giả thuyết và tiêu chuẩn chọn lựa số liệu hoạt động, hệ số phát thải, và những hệ số chuyển đổi;
- Kiểm tra lỗi nhập số liệu và tài liệu tham khảo;
- Kiểm tra phần tổng hợp số liệu;
- Kiểm tra tính liên tục của số liệu;
- Kiểm tra xu thế phát thải.
- Xác định và điều chỉnh các lỗi và thiếu sót
- Kiểm tra phương pháp kiểm kê phát thải khí nhà kính;
- Kiểm tra cách ghi thông số và đơn vị, sử dụng các hệ số chuyển đổi;
- Kiểm tra độ không chắc chắn của kết quả phát thải.
- Kiểm tra tài liệu kiểm kê
- Kiểm tra tính đầy đủ của tài liệu kiểm kê;
- Rà soát các văn bản lưu trữ.
Bước 6: Đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực
Quy trình đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải được căn cứ theo hướng dẫn IPCC 2006, IPCC 2019.
Các hoạt động trong quy trình này được thực hiện bởi các cơ quan không tham gia vào quá trình kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
Bước 7: Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực
Đánh giá độ không chắc chắn của kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực được căn cứ theo hướng dẫn IPCC 2006, IPCC 2019.
- Xác định độ không chắc chắn của số liệu hoạt động, hệ số phát thải, kết quả tính toán trong quá trình kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
- Xây dựng bảng tổng hợp độ không chắc chắn của kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
Bước 8: Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực
Việc tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực kỳ trước được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Phát hiện ra sai sót trong kết quả tính toán lượng phát thải khí nhà kính.
- Có thay đổi về các phương pháp định lượng khí nhà kính, số liệu hoạt động và hệ số phát thải.
Bước 9: Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực
Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực được xây dựng theo Mẫu số 04, Phụ lục II Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn.
Lợi ích của Báo cáo kiểm kê khí nhà kính
✍ Xem thêm: ĐTM là gì? Xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường
Kết luận
Tóm lại, hoạt động kiểm kê khí nhà kính có tầm quan trọng rất lớn đối với việc đánh giá tác động của con người lên biến đổi khí hậu và quản lý những tác động đó. Nó cung cấp thông tin cơ bản để định hình chính sách, giám sát tiến độ giảm phát thải, đo lường tiến bộ và nghiên cứu các giải pháp công nghệ xanh. Ngoài ra, hoạt động này còn thúc đẩy giao tiếp và tạo động lực cho sự thay đổi, cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Mọi yêu cầu về dịch vụ của Vinacontrol CE, Quý khách hàng vui lòng liên hệ đến Hotline 1800.6083 email vnce@vnce.vn hoặc chat ngay với chuyên viên để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất!
Tin khác