Khí nhà kính là gì? Giải pháp giảm thiểu khí nhà kính
Khí nhà kính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Hiểu rõ về khí nhà kính, các loại khí chính và nguồn phát thải là bước đầu quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp giảm thiểu. Trong bối cảnh lượng phát thải khí nhà kính không ngừng gia tăng, việc tìm hiểu về vấn đề này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
1. Khí nhà kính là gì?
1.1 Khí nhà kính là gì?
Khí nhà kính (Greenhouse Gases - GHG) là những loại khí có khả năng giữ nhiệt trong khí quyển, làm tăng nhiệt độ của trái đất. Chúng ngăn cản nhiệt lượng từ bề mặt trái đất thoát ra ngoài vũ trụ, tạo ra hiệu ứng nhà kính. Hiện tượng này là một phần tự nhiên giúp duy trì sự sống trên trái đất, nhưng khi lượng khí nhà kính vượt mức kiểm soát, nó gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Thành phần của khí nhà kính (Greenhouse Gases - GHG)
✍ Xem thêm: Chứng nhận ISO 14001 hệ thống quản lý môi trường | Hướng dẫn thủ tục chi tiết
1.2 Các loại khí nhà kính chính
Các loại khí nhà kính chủ yếu gồm:
- Carbon dioxide (CO2): Chiếm phần lớn lượng khí nhà kính, CO2 được sinh ra từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt tự nhiên.
- Methane (CH4): Methane có khả năng giữ nhiệt cao hơn CO2 nhiều lần, chủ yếu phát sinh từ chăn nuôi gia súc, hoạt động nông nghiệp, và sự phân hủy chất hữu cơ trong bãi rác.
- Nitrous oxide (N2O): Được sinh ra từ phân bón nông nghiệp và một số quy trình công nghiệp, N2O cũng có tác động mạnh đến sự ấm lên toàn cầu.
- Các hợp chất chứa fluor (HFCs, PFCs): Các khí nhân tạo này có trong các ngành công nghiệp làm lạnh, điện tử và hóa chất, với khả năng gây hiệu ứng nhà kính cực kỳ cao.
✍ Xem thêm: Tín chỉ carbon là gì? Tìm hiểu thị trường carbon mới nhất
1.3 Các nguồn phát thải khí nhà kính
Khí nhà kính phát sinh từ nhiều hoạt động của con người và tự nhiên, trong đó có:
- Nhiên liệu hóa thạch: Đốt than, dầu và khí đốt cho sản xuất điện, giao thông vận tải và công nghiệp.
- Nông nghiệp: Quá trình chăn nuôi gia súc và sử dụng phân bón gây phát thải methane và nitrous oxide.
- Phá rừng: Việc đốn hạ cây cối làm giảm khả năng hấp thụ CO2 từ không khí, góp phần làm tăng lượng khí nhà kính.
- Sản xuất công nghiệp: Các quy trình sản xuất hóa chất, xi măng và thép tạo ra lượng lớn khí thải CO2 và các hợp chất chứa fluor.
- Các nguồn năng lượng khác.
- Rác thải thực phẩm.
- Hoạt động từ các toà nhà.
Các nguồn phát thải khí nhà kính
✍ Xem thêm: Tiêu chuẩn ISO 14064 là gì? Nội dung tiêu chuẩn chi tiết
2. Thực trạng phát thải khí nhà kính
Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đang là 03 quốc gia có lượng khí thải cao nhất trên thế giới theo thống kê của Rhodium Group. Theo Australian Museum (2023), Úc, Mỹ và Canada có tỷ lệ khí thải cao nhất trên đầu người. Lượng khí thải trên đầu người của Việt Nam hiện đang ở mức trung bình (2,0 – 5,0 tấn CO2/đầu người).
Nhìn chung, phát thải từ lĩnh vực chất thải chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Tổng lượng phát thải KNK của lĩnh vực này năm 2013 là 20,7 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 7% trong cơ cấu tổng phát thải quốc gia. Trong đó, nước thải đô thị có thị phần phát thải KNK lớn nhất, chiếm 45,6%. Phát thải CH4 từ các bãi chôn lấp rác thải chiếm 35,9% (MONRE 2017).
Theo Báo cáo kỹ thuật kiểm kê quốc gia KNK của Việt Nam năm 2014 (Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2018), trong các lĩnh vực có phát thải KNK, tỷ lệ phát thải KNK ngành năng lượng (bao gồm hoạt động giao thông vận tải) lớn nhất chiếm 53,8%, tiếp theo là ngành nông nghiệp chiếm 27,92%, quá trình công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm (IPPU) chiếm 12,01% và chất thải chiếm 6,69%.
Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu phát triển TP HCM và báo Tuổi Trẻ (2023), toàn TP HCM thải ra hơn 50 triệu tấn CO2. Trong đó đáng chú ý, 45% đến từ khu vực sản xuất công nghiệp, 30% đến từ tòa nhà dân cư. Tỷ lệ xe điện chỉ chiếm 0.16% so với tổng lượng xe hai bánh/mô tô chạy xăng/dầu.
Trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về BÐKH, đến năm 2030, Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải KNK so với năm 2010 bằng nguồn lực trong nước. Mức cắt giảm có thể tăng lên 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Các chuyên gia môi trường cho rằng, những năm qua, lượng khí thải chủ yếu ở Việt Nam đến từ hoạt động giao thông và năng lượng cố định, chiếm hơn 90% tổng lượng khí thải mà nước ta đang đối diện.
Phạm vi phát thải khí nhà kính
✍ Xem thêm: ESG là gì? 5 nội dung cần chú ý
3. Giải pháp giảm thiểu khí nhà kính
Về phía Nhà nước, các bộ ban ngành đã và đang nghiên cứu cũng như ban hành nhiều quy định, hệ thống văn bản quy phạm liên quan với mục tiêu giảm thiểu khí nhà kính tại Việt Nam, cụ thể:
Điều 91 Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức cơ quan trong công tác giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cụ thể:
- Tổ chức thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính KNK và hấp thụ KNK
- Kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK
- Kiểm tra việc tuân thủ quy định về kiểm kê KNK, giảm nhẹ phát thải KNK…
- Xây dựng và triển khai cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải KNK
- Tổ chức phát triển thị trường Carbon trong nước
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Quyết định 13/2024/QĐ-TTg (thay thế Quyết định 01/2022/QĐ-TTg), cập nhật 02 năm/lần trên cơ sở:
- Tỷ trọng phát thải khí nhà kính trên tổng phát thải khí nhà kính quốc gia;
- Điều kiện và tình hình phát triển kinh tế-xã hội;
- Tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm, dịch vụ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Theo quyết định số 896/2022/QĐ-TTg, Chính phủ cũng đưa ra tầm nhìn đến năm 2050 về việc giảm phát thải KNK, cụ thể:
- Thực hiện kiểm kê KNK đối với các cơ sở phát thải hàng năm từ3.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2022.
- Thực hiện kiểm kê KNK đối với các cơ sở phát thải hàng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2030.
- Thực hiện kiểm kê KNK đối với các cơ sở phát thải hàng năm từ 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040.
- Thực hiện kiểm kê KNK đối với các cơ sở phát thải hàng năm từ 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050.
Về phía người dân, cần được nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích tăng cường trồng nhiều cây xanh, nâng cao ý thức tiết kiệm điện, sử dụng phương tiện di chuyển bảo vệ môi trường,....
Về phía doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ các quy định về môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tích cực áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính như kiểm kê khí nhà kính, xây dựng các bể hấp thụ (trồng rừng, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống tái sử dụng chất thải trong dây chuyền sản xuất,…) và ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (pin mặt trời, điện gió,…)
Giải pháp giảm thiểu khí nhà kính
Kết luận
Khí thải nhà kính đóng vai trò lớn trong việc gây ra biến đổi khí hậu và các tác động nghiêm trọng đến môi trường sống của con người. Việc giảm thiểu lượng khí thải này đòi hỏi sự hợp tác từ chính phủ, doanh nghiệp và từng cá nhân, nhằm bảo vệ môi trường sống của cộng đồng khỏi những hậu quả tiêu cực của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Vinacontrol CE hân hạnh là đối tác uy tín đồng hành cùng Quý doanh nghiệp và cộng đồng trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính. Mọi yêu cầu cần tư vấn về báo cáo kiểm kê kính nhà kính, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline 1800.6083 email vnce@vnce.vn hoặc chat ngay với chuyên viên để được hỗ trợ tốt nhất!
Tin khác