Kiểm định an toàn kỹ thuật cáp treo | Quy trình chi tiết
Hệ thống cáp treo là thiết bị chuyên chở được ứng dụng với mục đích di chuyển ở độ cao tại những nơi có địa hình trắc trở. Được sử dụng đặc biệt nhiều cho các khu du lịch để đưa hành khách đến các địa điểm khác nhau, do đó hệ thống cáp treo cần tiến hành kiểm định an toàn kỹ thuật để đảm bảo tính an toàn cho người dùng và ổn định trong hoạt động. Dưới đây là một số lưu ý cho các đơn vị vận hành cáp treo khi tiến hành kiểm định cáp treo theo quy định pháp luật.
1. Kiểm định an toàn kỹ thuật cáp treo là gì?
1.1 Kiểm định an toàn cáp treo
Kiểm định an toàn kỹ thuật cáp treo là hoạt động đánh giá, kiểm tra tình trạng hoạt động, kết cấu cáp treo, chức năng của các bộ phận trong hệ thống cáp treo để từ đó đưa ra các hành động khắc phục các lỗi được phát hiện hoặc nhận định chính xác về tính an toàn, ổn định trong hoạt động của cáp treo trước khi bắt đầu, tiếp tục vận hành, sử dụng cáp treo.
Cáp treo phải được kiểm định trước khi được đưa vào vận hành và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng
1.2 Phạm vi áp dụng
Hoạt động kiểm định được tiến hành cho các hệ thống cáp treo trong các tình trạng sau:
- Thứ nhất, kiểm định lần đầu đối với cáp treo sau lắp đặt và trước khi đưa vào khai thác sử dụng;
- Thứ hai, kiểm định định kỳ đối với cáp treo đang trong quá trình sử dụng, vận hành
- Thứ ba, kiểm định bất thường sau khi hệ thống được sửa chữa, nâng cấp, cải tạo có ảnh hưởng tới tình trạng kỹ thuật an toàn thiết bị; sau khi đổi chủ sở hữu hoặc chuyển đến lắp đặt ở vị trí mới; hoặc đơn vị sử dụng, cơ quan có thẩm quyền đưa ra yêu cầu kiểm định.
1.2 Tiêu chuẩn kiểm định cáp treo
Các tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động kiểm định cáp treo gồm:
- QCVN 19:2014/BLĐTBXH, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với hệ thống cáp treo chở người.
- QCXDVN 05:2008/BXD: Nhà ở và công trình công cộng: An toàn sinh mạng và sức khỏe.
- TCVN 4244 : 2005: Thiết bị nâng – Thiết kế chế tạo và kiểm tra kỹ thuật
- TCXD 170: 2007: Kết cấu thép gia công, lắp táp và nghiệm thu
- TCVN 5638:1991: Nghiệm thu thiết bị đã lắp đặt xong. Nguyên tắc cơ bản
- TCVN 9361:2012: Công tác nền móng – Thi công nghiệm thu
- TCVN 9358 : 2012: Lắp đặt hệ thống nối đất thiết bị cho các công trình công nghiệp
- TCVN 9385 : 2012: Chống sét cho công trình xây dựng – Hướng dẫn thiết kế, kiểm tra và bảo trì.
- Tiêu chuẩn Quốc gia Trung Quốc: GB 12352-90, JBJ 32-96.
Cáp treo được phép kiểm định theo một tiêu chuẩn khác khi có đề nghị của cơ sở sử dụng; chế tạo với điều kiện tiêu chuẩn đó phải có các chủ tiêu kỹ thuật về an toàn bằng hoặc cao hơn so với các chi tiêu tại tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam.
✍ Xem thêm: Kiểm định an toàn sàn treo nâng người trong xây dựng
2. Tầm quan trọng của hoạt động kiểm định cáp treo
Hệ thống cáp treo khi sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, do đó thiết bị này thuộc danh mục thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo Thông tư 22/2018/TT-BLĐTBXH , theo đó bắt buộc phải tiến hành kiểm định kỹ thuật an toàn trước và trong quá trình sử dụng.
Độ an toàn của những thiết bị cáp treo chở người có liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người, vậy nên khi xảy ra trục trặc mà trên độ cao lớn cùng địa hình nguy hiểm như vậy thì hết sức nguy nan và dễ dàng gây ra các hậu quả nghiêm trọng về người và của. Do đó tiến hành kiểm định an toàn kỹ thuật cáp treo để đảm bảo sự an toàn của người dùng và tính ổn định của thiết bị là vô cùng quan trọng và cần thiết được tiến hành đúng quy trình.
Đảm bảo an toàn của hành khách và tính ổn định trong hoạt động khi tiến hành kiểm định cáp treo
✍ Xem thêm: Danh mục thiết bị bắt buộc phải kiểm định an toàn
3. Quy trình kiểm định cáp treo
Việc kiểm định cáp treo theo đúng quy trình được hướng dẫn tại QTKĐ: 30-2016/BLĐTBXH. Đầu tiên, trước khi tiến hành kiểm định thiết bị cần đảm bảo được các điều kiện liên quan đến môi trường kiểm định như sau:
- Cáp treo phải ở trạng thái sẵn sàng đưa vào kiểm định;
- Hồ sơ thiết bị phải đầy đủ;
- Các yếu tố môi trường, thời tiết đủ điều kiện;
- Các điều kiện về an toàn vệ sinh lao động được đáp ứng để vận hành thiết bị.
Sau đó, tổ chức kiểm định tiến hành kiểm định theo các bước sau:
► Bước 1: Kiểm tra hồ sơ, lý lịch thiết bị
► Bước 2: Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài
- Kiểm tra điều kiện hoạt động của toàn bộ hệ thống. Các trạm đón trả khách phải treo hướng dẫn sử dụng cáp treo, các biển báo về trình tự đón trả khách, thời gian biểu hoạt động của cáp treo, hướng dẫn hành khách trong trường hợp khẩn cấp.
- Các mối nguy hiểm liên quan đến hoạt động của cáp treo (các nguy cơ liên quan đến sự chuyển động như va chạm, quá tải trọng cho phép, hệ thống điều khiển, vận hành, tăng tốc đột ngột, các yếu tố tự nhiên gió, giông bão...).
- Kiểm tra sự phù hợp phần kết cấu và thiết bị đường cáp theo hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ thiết kế thi công.
- Đánh giá kiểm tra cáp thép. Tiêu chuẩn loại bỏ cáp thép theo tiêu chuẩn của nhà chế tạo hoặc tiêu chuẩn BS EN 12927-6:2004.
- Kiểm tra cabin chở khách và nhà ga theo yêu cầu của thiết kế.
- Kiểm tra hệ thống điện.
- Kiểm tra các trang bị an toàn theo yêu cầu thiết kế.
► Bước 3: Kiểm tra kỹ thuật – thử không tải
- Tiến hành thử không tải các cơ cấu của thiết bị bao gồm: tất cả các cơ cấu và trang bị điện, các thiết bị an toàn, phanh, hãm và các thiết bị điều khiển, chiếu sáng, tín hiệu, âm hiệu.
- Thử vận hành từng máy: Để kiểm tra hệ thống thủy lực, hệ thống bôi trơn, áp suất dầu, nhiệt độ dầu trong phạm vi cho phép.
- Thử vận hành tổ máy.
- Thử vận hành cáp treo: Từ tốc độ chậm tới tốc độ định mức, kiểm tra hiện tượng nhảy cáp, hãm máy êm, độ tin cậy... Các phép thử trên được thực hiện không ít hơn 03 lần.
► Bước 4: Các chế độ thử tải – phương pháp thử tải
Tải trọng thử bằng 110% tải định mức.
► Bước 5: Kiểm tra hệ thống cứu hộ
► Bước 6: Xử lý kết quả kiểm định
Kiểm định viên lập biên bản về kết quả kiểm định. Đối với kết quả kiểm định đạt, tổ chức kiểm định cấp chứng nhận kiểm định cho đơn vị đăng ký kiểm định và dán tem lên thiết bị cáp treo đạt yêu cầu.
Trong trường hợp kết quả kiểm định hệ thống cáp treo không đạt, đơn vị kiểm định tư vấn, yêu cầu đơn vị vận hành tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng để thiết bị đảm bảo an toàn.
Kiểm định cáp treo phải được tiến hành theo đúng quy trình được hướng dẫn tại QTKĐ: 30-2016/BLĐTBXH
✍ Xem thêm: Quy định về kiểm định thang máy, thang cuốn cần phải lưu ý
4. Thời hạn kiểm định cáp treo
Các đơn vị vận hành thiết bị cần lưu ý tới thời hạn kiểm định định kỳ hệ thống cáp treo là 1 năm.
Trường hợp nhà chế tạo hoặc yêu cầu của cơ sở về thời hạn kiểm định ngắn hơn thì thực hiện theo đề nghị của nhà chế tạo hoặc cơ sở. Khi rút ngắn thời hạn kiểm định, kiểm định viên phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định.
Trên đây là những nội dung về hoạt động kiểm định cáp treo mà Quý doanh nghiệp cần nắm rõ khi tiến hành công tác kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị. Hãy kiểm định cáp treo định kỳ và theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như lựa chọn đơn vị kiểm định uy tín để đảm bảo tính an toàn và ổn định khi vận hành cáp treo.
*Đây là bài viết cung cấp thông tin, Vinacontrol CE không cung cấp dịch vụ này
Tin khác