Chứng nhận VietGAP thủy sản | Khẳng định chất lượng – Uy tín
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các cơ sở áp dụng VietGAP cho tất cả các đối tượng nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên trong một số trường thì đây là thủ tục bắt buộc, ví dụ như đối với cá tra, đơn vị nuôi trồng sẽ cần phải đạt và chứng nhận VietGap theo quy định tại Điều 4 Nghị định 36/2014/NĐ-CP. Để giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan nhất về chứng nhận VietGAP thủy sản, Vinacontrol CE sẽ cung cấp một số thông tin cụ thể mà doanh nghiệp cần biết.
1. Chứng nhận VietGAP thủy sản
VietGAP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Vietnamese Good Aquaculture” có nghĩa là thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam. Đây là tiêu chuẩn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, sửa đổi, thay thế theo Quyết định số 3824/QĐ-BNN-TCTS về quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP.
Chứng nhận VietGap thủy sản là việc tổ chức đánh giá, cấp chứng nhận cho sản phẩm thủy sản của đơn vị nuôi trồng thủy sản thực hành áp dụng tốt các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo đảm trách nhiệm xã hội, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và góp phần thúc đẩy nuôi trồng thủy sản hướng tới sự phát triển bền vững.
Đơn vị nuôi trồng sẽ cần phải đạt và chứng nhận VietGap thủy sản theo quy định tại Điều 4 Nghị định 36/2014/NĐ-CP
✍ Xem thêm: Thủ tục đăng ký chất lượng sản phẩm | 5 nội dung cần lưu ý
2. Chứng nhận VietGAP có lợi ích gì?
Chứng nhận VietGAP đem đến lợi ích cực lớn đối với các bên tham gia vào chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản. Bao gồm:
►Thứ nhất, Lợi ích của cơ sở nuôi trồng:
- Giảm chi phí sản xuất do kiểm soát tốt vật tư đầu vào;
- Giảm rủi ro về bệnh dịch, quản lý tốt chất thải để bảo vệ môi trường;
- Sản phẩm có chất lượng ổn định, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm;
- Xây dựng được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp;
- Tiếp cận dễ dàng tới thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước;
- Tạp dựng được mối quan hệ tốt giữa người lao động và cộng đồng xung quanh.
►Thứ hai, đảm bảo quyền lợi của người lao động:
- Người lao động được đảm bảo quyền lợi hợp pháp theo quy định của Luật lao động, được đối xử bình đẳng và làm việc ở môi trường an toàn, đảm bảo vệ sinh;
- Nâng cao kỹ năng lao động qua các lớp tập huấn kỹ thuật VietGAP và áp dụng, thực hiện các bước thực hành VietGAP vào điều kiện nuôi thực tế tại cơ sở cũng như ghi chép hồ sơ.
► Thứ ba, đáp ứng, thỏa mãn người tiêu dùng:
- Khách hàng có thêm sự lựa chọn về sản phẩm sạch, an toàn;
- Yên tâm, tin dùng các sản phẩm chất lượng, dinh dưỡng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng;
- Dễ dàng tiếp cận, nhận biết các sản phẩm sạch.
► Thứ tư, cơ sở chế biến thủy sản
- Có nguồn nguyên liệu chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đầu ra;
- Nhận được sự ưu ái, lựa chọn, tin dùng từ khách hàng;
- Giảm các nguy cơ sản phẩm bị cấm nhập khẩu hoặc bị nước nhập khẩu kiểm tra 100% lô hàng bị phát hiện không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đáp ứng, thỏa mãn các yêu cầu về chất lượng, thực phẩm sạch của khách hàng với chứng nhận VietGAP
✍ Xem thêm: Chứng nhận hợp quy thức ăn thủy sản| Thủ tục chi tiết
3. Các bước chứng nhận VietGAP thủy sản
► Bước 1: Xây dựng môi trường nuôi trồng đạt chuẩn
Đơn vị nuôi trồng thủy sản tiến hành xây dựng các điều kiện, quy trình, kế hoạch, hoạt động sản xuất dựa trên tiêu chuẩn VietGAP.
Thông thường, các cơ sở sẽ nhận sự tư vấn từ một chuyên gia, tổ chức chuyên tiến hành tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, thực hành VietGAP theo đúng quy định.
► Bước 2: Đăng ký chứng nhận VietGAP
Sau khi đã xây dựng thành công dựa trên các yêu cầu của tiêu chuẩn cũng như được chuyên gia tư vấn đánh giá là đã hoàn thiện. Doanh nghiệp đăng ký chứng nhận VietGAP tại tổ chức chứng nhận (tổ chức chứng nhận không được là đơn vị tư vấn và ngược lại theo quy định tại khoản d Điều 22 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT).
► Bước 3: Đánh giá hồ sơ cơ sở nuôi trồng
Tổ chức chứng nhận đánh giá các yêu cầu pháp lý, yêu cầu về nhân lực, tài liệu VietGAP và hồ sơ VietGAP được doanh nghiệp xây dựng và áp dụng
► Bước 4: Đánh giá triển khai, thực hành VietGAP tại cơ sở
Đánh giá việc đảm bảo các nguyên tắc tại tiêu chuẩn VietGAP của cơ sở gồm:
Nguyên tắc về an thực phẩm: bảo đảm an toàn thực phẩm bằng cách tuân thủ các quy định hiện hành của Việt Nam và các Hướng dẫn của FAO/WHO Codex. Các nội dung kiểm soát bao gồm:
- Chất lượng nước cấp;
- Thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường;
- Vệ sinh;
- Thu hoạch và vận chuyển.
Nguyên tắc quản lý sức khỏe thủy sản: duy trì môi trường sống tốt, phù hợp với đối tượng nuôi trồng ở các công đoạn của quá trình sản xuất, cũng như giảm thiểu các rủi ro về bệnh dịch. Các nội dung kiểm soát bao gồm:
- Kế hoạch quản lý sức khỏe thủy sản;
- Giống thủy sản;
- Chế độ cho ăn;
- Theo dõi sức khỏe thủy sản và ngăn ngừa sự lây lan bệnh dịch;
- Sử dụng kháng sinh;
- Xử lý nơi nuôi sau thu hoạch.
Nguyên tắc bảo vệ môi trường: Hoạt động nuôi trồng thủy sản phải được thực hiện có kế hoạch và có trách nhiệm đối với môi trường, theo quy định của Nhà Nước và các cam kết Quốc Tế.
Nguyên tắc về các khía cạnh kinh tế - xã hội: Nuôi trồng thủy sản phải được thực hiện một cách có trách nhiệm với xã hội, tôn trọng văn hóa cộng đồng địa phương, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà Nước và các thỏa thuận của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền lao động, không làm ảnh hưởng tới sinh kế của người lao động và các cộng đồng xung quanh.
► Bước 5: Cấp chứng nhận VietGAP
- Tổ chức chứng nhận cấp chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi trồng thủy sản đủ điều kiện.
- Thông tin trên Giấy chứng nhận VietGAP cấp cho cơ sở nuôi ghi rõ: Tên và địa chỉ nơi nuôi cụ thể, tên sản phẩm, mã số chứng nhận VietGAP, diện tích, sản lượng được cấp chứng nhận.
Cơ sở nuôi trồng có chứng nhận VietGAP thủy sản là đối tác tin cậy cung cấp nguyên liệu cho đơn vị sản xuất thực phẩm
✍ Xem thêm: VietGAP là gì? Các bước chứng nhận VietGAP
4. Hướng dẫn chứng nhận lại, gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận VietGAP
Cơ sở nuôi trồng muốn chứng nhận lại, gia hạn, thay đổi hoặc bổ sung Giấy chứng nhận VietGAP phải liên hệ và gửi đơn đăng ký với Tổ chứng chứng nhận. Tổ chức chứng nhận căn cứ vào các điều kiện cụ thể để tiến hành các thủ tục cấp lại, gia hạn, thay đổi hoặc bổ sung chứng nhận VietGAP.
Thời hạn của giấy chứng nhận lại tối đa là 02 năm. Khi giấy chứng nhận hết hiệu lực nếu doanh nghiệp không đăng ký chứng nhận lại, chứng nhận VietGAP sẽ được gia hạn 1 lần tối đa 03 tháng.
5. Các loại chi phí khi đăng ký chứng nhận VietGAP
- Chi phí cho chuyên gia đánh giá: phụ thuộc vào quy mô, diện tích, sản lượng của cơ sở nuôi trồng và uy tín của tổ chức chứng nhận.
- Chi phí hành chính: Phí thẩm định hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận VietGAP, phí in và gửi giấy chứng nhận
- Chi phí đánh giá, chứng nhận VietGAP: Do cơ sở nuôi thỏa thuận với Tổ chức chứng nhận dựa trên biểu phí, cách tính phí do Tổ chức chứng nhận xây dựng và công bố công khai. Do đó, chi phí đánh giá, chứng nhận VietGAP là khác nhau đối với mỗi cơ sở
Tựu chung, biểu phí, cách tính phí của Tổ chức chứng nhận đã được Tổng cục Thủy sản kiểm tra trong quá trình đánh giá, chỉ định Tổ chức chứng nhận.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến hoạt động chứng nhận VietGAP doanh nghiệp cần biết. Khi tiến hành chứng nhận, tổ chức cần hiểu bản chất, lợi ích, quy trình chứng nhận, các trường hợp chứng nhận lại, bổ sung, sửa đổi giấy chứng nhận và các chi phí liên quan.
*Đây là bài cung cấp thông tin Vinacontrol CE không hỗ trợ dịch vụ này.
Tin khác