Xuất khẩu gỗ vào EU - Các quy định cần hiểu rõ

 

EU là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau thị trường Hoa Kỳ. Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu vào EU, nhiều mặt hàng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường lớn và tiềm năng này.

Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng Việt Nam trên thị trường EU chưa thực sự mạnh, đồng thời EU lại là thị trường khó tính với nhiều quy định về hàng hoá nhập khẩu. Để góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm những thông tin và kinh nghiệm về thị trường EU nói chung và thục tục hải quan EU nói riêng, bài viết sẽ đi sâu phân tích các quy định có liên quan và những vấn đề cần lưu ý về thủ tục hải quan đối với mặt hàng xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU.

 

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm gỗ của EU

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường chính là Mỹ đang chậm lại, thì sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đã mở ra một hướng phát triển mới, đầy triển vọng cho ngành hàng sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn lại năm 2006, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, và năm 2007 là 26,4% , thì trong năm 2008, tỷ lệ này đã tăng lên 28,3%. Đáng chú ý là trong 6 tháng cuối năm 2008, lượng đồ nội thất loại cao cấp xuất khẩu vào thị trường EU đã giảm sút rõ rệt, trong khi các mặt hàng có đơn giá thấp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt.

Các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu chủ yếu vào thị trường EU gồm: mặt hàng ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn… trong đó đáng chú ý là các sản phẩm bàn ghế, kệ, tủ, giường… với giá trị kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng.

 

Những quy định của EU đối với sản phẩm gỗ

Đối với mặt hàng gỗ và lâm sản, thị trường EU không yêu cầu về giấy phép nhập khẩu mà chỉ đề ra những quy định đối với việc xuất khẩu những sản phẩm thuộc chính sách an ninh và ngoại giao thông thường, chủ yếu là vũ khí và hoá chất độc hại.


Các quy định thuế


Nói chung, mặt hàng gỗ bao gồm gỗ nguyên liệu và sản phẩm từ gỗ đều phải chịu thuế nhập khẩu vào thị trường châu Âu tuỳ thuộc vào sản phẩm và xuất xứ. Nhằm hỗ trợ việc xuất khẩu từ các nước đang phát triển, Liên minh châu Âu vận hành biểu thuế ưu đãi GSP nhằm giảm thuế cho các nước đang phát triển và miễn thuế cho các nước chậm phát triển.


Đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU hiện đang hưởng thuế GSP với mức thuế xuất chủ yếu là 0% (một số mã hàng chịu thuế 2,1%) đã giúp Việt Nam có lợi thế nhất định khi chen chân vào thị trường EU so với Trung Quốc, Indonesia, Brazil, Malaysia… do các nước này không được hưởng GSP.


Các quy định phi thuế


Các điều luật quan trọng nhất đối với người xuất khẩu gỗ như sau:

            - Các chất độc hại như creozit, thạch tín, formandehyt, đều bị cấm sử dụng tại tất các các nước thành viên. Hiện nay đang thực thi các quy định của REACH.

            - Đối với sản phẩm gỗ dùng trong xây dựng, cần tham khảo Chỉ thị 89/106/EC.

            - Công ước về việc cấm buôn bán các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), bao gồm cả động thực vật. Chính phủ Việt Nam đã có văn bản cấm một số loại gỗ nhóm 1 và nhóm 2 không được phép xuất khẩu.


Các văn bản dưới luật quan trọng

            Yêu cầu về môi trường: Người sản xuất sản phẩm gỗ được khuyến khích sản xuất các chủng loại gỗ theo các tiêu chuẩn về môi trường bền vững, có sử dụng nhãn mác, mã số hoặc hệ thống quản lý để chứng tỏ đã tuân thủ đúng các quy định như: ISO 1400; ISO 14001

Năm 2005, EU bắt đầu triển khai kế hoạch giới hạn nhập khẩu gỗ theo các nguồn hợp pháp từ các đối tác tự nguyện theo sáng kiến về việc “thực thi luật, quản trị và buôn bán tài nguyên rừng” – FLEGT. Kế hoạch trên áp dụng với mọi nước xuất khẩu gỗ sang EU và phối hợp thực hiện với các thị trường tiêu dùng lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản. EU đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện chính thức với Malaysia vào tháng 9/2006 và Indonesia vào tháng 1/2007, chấm dứt đàm phán xong với Gana và Việt Nam sẽ tiến hành đàm phán với EU vào tháng 10/2010.

 

Các tiêu chuẩn về chất lượng

Quy định cho các sản phẩm xây dựng vào châu Âu: các sản phẩm gỗ phục vụ xây dựng phải đáp ứng được các yêu cầu về:

- Độ bền sản phẩm;

- Khả năng chịu lửa;

- Bảo vệ môi trường, sức khoẻ và vệ sinh;

- An toàn khi sử dụng;

- Chống ồn;

- Tiết kiệm năng lượng;

- Giữ nhiệt;


Đóng gói, ghi nhãn và gắn nhãn

Theo CBI (tổ chức xúc tiến nhập khẩu gồm các quốc gia đang phát triển), đóng gói có các chức năng sau:

Bảo vệ sản phẩm trong quá trình vận chuyển

Chia nhỏ sản phẩm để bán

Mang thông điệp từ nhà sản xuất đến người mua/người tiêu dùng

Sản phẩm từ các nước đang phát triển thường phải đi một quãng đường dài trước khi đến EU. Vì vậy, khâu đóng gói cần đặc biệt chú ý nhằm hạn chế các rủi ro hỏng hàng do va đập, nhiệt độ cao, ẩm ướt…

Việc đóng gói phải bảo đảm an toàn và tránh hư hỏng hàng, bao bì bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế. Người mua sẽ đưa ra các yêu cầu về bao bì đối với các sản phẩm đã sẵn sàng để lắp ráp và sản phẩm lắp ráp hoàn chỉnh. Trên bao bì phải ghi đầy đủ số lượng, trọng lượng, loại gỗ, đóng dấu, nhãn hiệu để thuận tiện cho việc chuyên chở.

Các yêu cầu đối với sản phẩm sơ chế và sản phẩm thô ít khắt khe hơn, chỉ cần đánh số và đóng tên hay logo của người xuất khẩu. Điều quan trọng là phải ghi rõ trọng lượng chính xác, chiều dài, và cần chú ý cách và các điều kiện đóng gói.

 

Những vấn đề cần lưu ý trước khi xuất khẩu sang thị trường EU

Các nhà xuất khẩu nên chủ động và làm chủ tình hình để tự đưa ra được định hướng. Điều này chỉ thực hiện được khi đã có sự chuẩn bị kỹ càng, đánh giá mục tiêu, đánh giá phương hướng, phương tiện và có lập kế hoạch từng bước một cách cẩn thận. Nói cách khác, các nhà xuất khẩu muốn thâm nhập thị trường EU, các kênh thương mại và phân phối, cần phải đánh giá khả năng tận dụng cơ hội và đối phó với nguy cơ, lựa chọn chiến lược và chuẩn bị đương đầu với môi trường cạnh tranh.

Chuẩn bị chu đáo về hồ sơ, tài liệu

Sự chuẩn bị chu đáo hồ sơ, tài liệu doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể về việc nên xuất khẩu khi nào, về đâu, cho ai và với cách thức như thế nào? Sau khi nhà nhập khẩu đã được thẩm định và tình hình được kiểm tra xem có đáng tin cậy không. Các hợp đồng phù hợp sẽ được ký, bao gồm cả các điều khoản về giải quyết tranh chấp và kiểm định hàng hoá. Khi đó, doanh nghiệp đã có thể tránh khỏi sự thất vọng, mất thời gian và tiền bạc. Thay vào đó, quỹ thời gian và tiền bạc đó có thể đựơc dùng để phục vụ chính sách kinh doanh đúng đắn, lựa chọn thị trường mục tiêu cụ thể và xác định kênh mua bán…

Lựa chọn thị trường xuất khẩu vào EU

Nhà xuất khẩu luôn phải nhớ rằng thị trường EU rất đa dạng, người dân EU quan tâm tới đặc tính của hàng hoá, giá trị tiêu dùng và thói quen tiêu dùng. Thêm nữa, cơ cấu kinh doanh và phân phối cũng như tập quán kinh doanh có thể khác nhau. Vì vậy, việc lựa chọn một thị trường của EU cần được cân nhắc kỹ lưỡng về chiến lược là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần nghiên cứu ở văn phòng, đặc biệt là qua Internet cho phép đánh giá trước và lựa chọn sơ bộ một cách nhanh chóng công ty tư vấn độc lập có thể được tiến hành sau đó để kiểm chứng kết quả nghiên cứu sơ bộ và cung cấp thông tin ban đầu có thể.

Đánh giá doanh nghiệp

Sau khi đã nghiên cứu về thị trường có triển vọng nhất, phải tự đánh giá về công ty xem có đủ lực để chiếm lĩnh và duy trì vị thế trên thị trường đã được lựa chọn hay chưa. Cơ hội và thách thức trên thị trường sẽ được so sánh với ưu khuyết điểm của doanh nghiệp. Phải xem xét một số yếu tố gồm: đặc điểm sản phẩm, thiết bị sản xuất, chất lượng, bao bì, năng lực và nhân viên, hệ thống quản lý và chất lượng, năng lực tài chính, và kinh nghiệm xuất khẩu.

Hoạt động chiến lược

Hoạt động chiến lược phải dựa trên kết quả nghiên cứu của việc đánh giá thị trường và bản thân doanh nghiệp. Cơ hội và điểm mạnh phải được tối ưu hoá trong khi nguy cơ và điểm yếu phải biến thành điểm mạnh. Khi biến điểm yếu thành điểm mạnh, nguy cơ tự nó biến thành cơ hội. Lý do vì nguy cơ chỉ bị coi là nguy cơ khi doanh nghiệp không thể đương đầu với nguy cơ đó. Nói cách khác, doanh nghiệp yếu trong lĩnh vực cụ thể đó. Khi biến điểm yếu  đó thành điểm mạnh. Nguy cơ sẽ biến mất và chuyển thành cơ hội.

Ví dụ, các yêu cầu về môi trường của thị trường EU có thể là nguy cơ đối với các doanh nghiệp chưa biết đến yêu cầu đó hay không muốn thay đổi bao bì và/hay quy trình sản xuất. Đối với doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO 14001, thì đây lại là cơ hội. Trong trường hợp điểm mạnh và cơ hội chiếm ưu thế so với điểm yếu và nguy cơ thì doanh nghiệp đã sẵn sàng hình thành chiến lược xuất khẩu đối với thị trường cụ thể và lập kế hoạch cho các sản phẩm xuất khẩu.

Như đã đề cập ở trên, phần lớn các doanh nghiệp phải đầu tư để có được sự chuẩn bị, và biến điểm yếu thành điểm mạnh. Nhà xuất khẩu nào ngại đầu tư cho việc củng cố doanh nghiệp để đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường EU thì không nên triển khai các hoạt động xuất khẩu sang EU.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nào cũng làm đủ ba bước là: đánh giá thị trường, đánh giá doanh nghiệp và có hoạt động chiến lược thì doanh nghiệp đó sẽ xây dựng được cách tiếp cận hệ thống, cách tiếp cận này sẽ đặt nền móng cho các quyết định đúng đắn và kim chỉ nam hướng tới tương lai.

Vinacontrol CE - Tổ chức cung cấp dịch vụ đánh giá chứng nhận quản lý hệ thống ISO 9001ISO 14001cho doanh nghiệp sản xuất gỗ.

Tin khác

GHG Protocol là gì? Các tiêu chuẩn và hướng dẫn chính

GHG Protocol, hay còn gọi là Greenhouse Gas Protocol, là một bộ tiêu chuẩn...

Bài tập tình huống ISO 9001:2015 | Hướng dẫn thực hành bài tập

Trong quá trình triển khai ISO 9001:2015, các doanh nghiệp thường gặp phải...

Quy trình kiểm soát hồ sơ theo ISO 9001:2015 | Hướng dẫn chi tiết

Quy trình kiểm soát hồ sơ theo ISO 9001 là hệ thống các hoạt động nhằm đảm...

10 điều khoản ISO 9001:2015 | Cập nhật mới nhất

ISO 9001:2015 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng (QMS),...

Hướng dẫn báo cáo kiểm kê khí nhà kính | Từ A-Z

Báo cáo kiểm kê khí nhà kính (KNK) là một tài liệu ghi lại toàn bộ lượng khí...

OHSAS 18001 - Hệ thống quản lý Sức khoẻ và An toàn

Chứng nhận OHSAS 18001 là một tiêu chuẩn quốc tế đề cập đến những yêu cầu...

Công bố hợp quy là gì? Hướng dẫn thủ tục công bố nhanh

Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch...

Chứng nhận hợp chuẩn là gì? Lợi ích khi đạt giấy chứng nhận

Chứng nhận hợp chuẩn hay chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn là việc xác nhận đối...

Kiểm định - Hiệu chuẩn thiết bị đo lường

Phương tiện đo lường là những công cụ, thiết bị vô cùng phổ biến trong sản...

Giám định thiết bị, máy móc, dây chuyền

Giám định máy móc thiết bị là sử dụng những phương pháp và trang thiết bị đo...