ISO 50001 là gì? Chiến lược quản lý năng lượng thông minh
Sử dụng năng lượng hiệu quả là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất hoạt động của mọi tổ chức. Thực tế có không ít doanh nghiệp áp dụng ISO 50001, từ đó đạt được thành công đáng kể trong công tác quản lý năng lượng, nâng cao hiệu suất công việc và giảm thiểu các chi phí liên quan.
1. Tìm hiểu tiêu chuẩn ISO 50001
1.1 ISO 50001 là gì?
ISO 50001 là một tiêu chuẩn quốc tế được sử dụng để xây dựng một hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả dựa trên việc thực hiện mô hình hệ thống quản lý cải tiến liên tục và những yêu cầu, hướng dẫn trong điều khoản được ghi nhận tại bộ tiêu chuẩn này. Nắm rõ được các nội dung của tiêu chuẩn và áp dụng chúng chính xác chính là chìa khóa để mọi tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tối đa chi phí và đạt được mục tiêu dài hạn của tổ chức.
ISO 50001 cung cấp một khuôn khổ các yêu cầu để tổ chức: Xây dựng, phát triển chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả; Xác định các mục tiêu; Sử dụng dữ liệu để hiểu rõ hơn và đưa ra quyết định về việc sử dụng năng lượng; Đo lường kết quản; Xem lại chính sách hoạt động tốt như thế nào và liên tục cải tiến quản lý năng lượng.
ISO 50001 là một tiêu chuẩn quốc tế được sử dụng để xây dựng một hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả
1.2 Lịch sử phát triển ISO 50001
Dưới đề xuất của Các tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) nhằm đưa ra những biện pháp với thách thức biến đổi khí hậu, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã cho ra đời ISO 50001 như một tiêu chuẩn tự nguyện để thiết kế, thực hiện và duy trì hệ thống quản lý năng lượng. Tiểu ban ISO / PC 242 với sự lãnh đạo của ANSI (Hoa Kỳ) và ABNT (Brazil) cùng với thành viên Trung Quốc và Anh tham gia vào dự án xây dựng tiêu chuẩn. Sau quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện tiêu chuẩn bước đầu. Ủy ban kỹ thuật ISO đã công bố ISO 50001 đầu tiên vào ngày 17/06/2011. Hiện ISO 50001:2018 được ban hành vào ngày 21/08/2018 chính là phiên bản mới nhất và là phiên bản thay thế, phát triển từ ISO 50001:2011.
1.3 Các tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn ISO 50001
- ISO 50001:2018 - Hệ thống quản lý năng lượng - Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng (Energy management systems - Requirements with guidance for use).
- ISO 50002:2014 - Kiểm toán năng lượng - Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng (Energy audits - Requirements with guidance for use).
- ISO 50003:2014 - Hệ thống quản lý năng lượng - Yêu cầu đối với các cơ quan cung cấp kiểm toán và chứng nhận hệ thống quản lý năng lượng (Energy management systems - Requirements for bodies providing audit and certification of energy management systems).
1.4 Hệ thống quản lý năng lượng
Hệ thống quản lý năng lượng (EnMS- energy management system) là một khuôn khổ để thực hiện các chiến lược quản lý và kỹ thuật giúp cắt giảm lượng lớn những chi phí năng lượng và phát thải khí nhà kính theo thời gian.
Hệ thống quản lý này bao gồm những thành phần sau:
- Tạo ra chính sách năng lượng;
- Các mục tiêu để việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn;
- Tiến trình theo ngày để đạt được mục tiêu;
- Kế hoạch hành động chỉ rõ chính xác cách thức đạt được các mục tiêu của tổ chức áp dụng.
Thực hiện các chiến lược quản lý và kỹ thuật giúp cắt giảm lượng lớn những chi phí năng lượng với ISO 50001
✍ Xem thêm: Khóa đào tạo ISO 50001:2018 | Hệ thống quản lý năng lượng
2. Đối tượng cần áp dụng ISO 50001
Giống với các tiêu chuẩn nổi tiếng khác như ISO 9001, ISO 14001,… thì ISO 50001 cũng được áp dụng cho mọi loại hình tổ chức, không phụ thuộc quy mô hay hoạt động, lĩnh vực. ISO 50001 sẽ được áp dụng một cách tự nguyện bởi tổ chức do nhu cầu của họ và đáp ứng tốt hơn các quy định của pháp luật liên quan. Do đó, mọi tổ chức đều có thể áp dụng ISO 50001 và xây dựng hệ thống quản lý năng lượng lý tưởng phù hợp với loại hình, năng lực của tổ chức.
Quốc Hội Việt Nam đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào năm 2010. Theo đó, Văn bản này yêu cầu các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp cần có kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả đồng thời tiến hành lồng ghép chương trình quản lý năng lượng với các chương trình quản lý chất lượng, chương trình GMP, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở.
Sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả là nền tảng cho phát triển bền vững
3. Một số thay đổi của ISO 50001:2018 so với ISO 50001:2011
ISO 50001:2018 áp dụng Cấu trúc cấp cao (HLS- High Level Structure), phổ biến cho tất cả các tiêu chuẩn ISO. Hầu hết, các thay đổi trong ISO 50001:2018 so với ISO 50001:2011 là do HLS ban hành, đặc biệt đối với quản lý năng lượng. Một số thay đổi, nâng cấp cơ bản có thể thấy rõ như sau:
- Áp dụng HLS;
- Điều khoản mới để xác định hệ thống có nhu cầu và mong đợi từ các bên quan tâm;
- Tăng cường nhấn mạnh vào lãnh đạo và lời cam kết của ban quản lý hàng đầu (Chương 5.1);
- Quản lý rủi ro và cơ hội (Chương 6.1);
- Xác định các năng lực cần thiết của người thực hiện công việc;
- Mở rộng liên quan đến truyền thông (Bao gồm cả truyền thông bên ngoài và cả bên trong; quy định nhiều nơi đối với các cơ chế truyền thông trực tuyến, bao gồm cả việc xác định cái gì, khi nào, như thế nào và ai giao tiếp và giao tiếp với ai; Yêu cầu thông tin truyền đạt phải phù hợp với thông tin được tạo trong EnMS)
- Hoạch định hoạt động và kiểm soát (Kiểm soát sự thay đổi và xem xét kết quả của các thay đổi ngoài ý muốn; Đảm bảo kiểm soát việc sử dụng năng lượng đáng kể (SEU- significant energy uses: sử dụng năng lượng có tính đến tiêu thụ năng lượng đáng kể và/hoặc cung cấp khả năng đáng kể cho việc cải tiến kết quả hoạt động năng lượng) hoặc các quy trình liên quan đến SEU; Thông tin tài liệu được lưu giữ đến mức cần thiết để có thể tin rằng các quy trình đã được thực hiện theo kế hoạch);
- Giám sát, đo lường, phân tích và đánh giá hiệu suất năng lượng của EnMS (Yêu cầu để xác định phương pháp theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá; Yêu cầu rõ ràng đối với thông tin được ghi lại, cả từ điều tra và phản hồi sau những sai lệch về hiệu suất năng lượng cũng như từ kết quả giám sát và đo lường);
- Đánh giá quản lý (Chỉ số hiệu suất năng lượng (EnPIs- energy performance indicators); phương pháp xác định và cập nhật EnPIs sẽ được ghi lại).
Tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường với hệ thống quản lý năng lượng đạt chuẩn
4.Chu trình PDCA trong hệ thống quản lý ISO 50001
Chu trình PDCA (Plan-Do-Check-Act) được sử dụng như một khung cơ bản khi áp dụng ISO 50001. Cụ thể:
- Trong giai đoạn lập kế hoạch (Plan), tổ chức đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể, sử dụng các phép đo hiệu suất năng lượng hiện tại để thiết lập đường cơ sở;
- Trong giai đoạn thực hiện (Do), tổ chức tiến hành các hoạt động nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng;
- Trong giai đoạn kiểm tra (Check), tổ chức đo lường và đánh giá hiệu suất năng lượng của họ và so sánh với đường cơ sở năng lượng (EnB);
- Trong giai đoạn hành động (Act), tổ chức phải quyết định những thay đổi nào cần được thực hiện sau đó để hiệu suất năng lượng được cải thiện tốt nhất.
Chu kỳ nay là chu kỳ liên tục lặp lại với một giai đoạn lập kế hoạch (Plan) mới, và bắt đầu một chu trình PDCA mới. Theo đó, doanh nghiệp có thể cải tiến hệ thống quản lý năng lượng một cách liên tục, từ đó sử dụng tốt hơn các tài sản tiêu thụ năng lượng, phát triển được phương pháp quản lý năng lượng tốt nhất và những công nghệ tiết kiệm năng lượng mới nhất.
Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng là những lợi ích mà doanh nghiệp sẽ nhận được khi áp dụng ISO 50001
5. Lợi ích khi quản lý năng lượng theo ISO 50001
► Đối với môi trường, xã hội, cộng đồng:
- Giúp giảm tiêu thụ năng lượng, biến đổi môi trường và bảo vệ môi trường tự nhiên;
- Giảm thiểu quá trình gây ô nhiễm môi trường bởi việc sử dụng năng lượng thiếu khoa học;
- Góp phần giúp bảo toàn năng lượng không bị thiếu hụt và xây dựng một cộng đồng có đầy đủ năng lượng để sinh hoạt, làm việc;
- Thúc đẩy các thực hành tốt trong quản lý năng lượng và nhân rộng những hành động quản lý năng lượng tốt;
- Hỗ trợ trong việc đánh giá và xếp hạng ưu tiên trong việc ứng dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng mới.
►Đối với tổ chức áp dụng:
- Giảm tiêu thụ năng lượng từ đó cắt giảm, tiết kiệm chi phí;
- Cải tiến kết quả thực hiện năng lượng
- Hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo trì các thiết bị, tài sản tiêu thụ năng lượng.
- Hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001:2018 có thể dễ dàng tương tích với các hệ thống quản lý khác như quản lý chất lượng, môi trường (ISO 9001, ISO 14001, ....) và việc tích hợp các hệ thống quản lý này sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả cao nhất cho Doanh nghiệp.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về tiêu chuẩn ISO 50001. Hy vọng với bài viết này Quý bạn đọc có thể tiếp cận và nghiên cứu ISO 50001:2018, từ đó xây dựng hệ thống quản lý năng lượng tối ưu nhất. *Đây là bài cung cấp thông tin Vinacontrol CE không hỗ trợ dịch vụ này.
Tin khác