CE MARKING
Chứng nhận CE MARKING được coi như "hộ chiếu thương mại" để sản phẩm được lưu thông tự do trong thị trường châu Âu thể hiện sản phẩm đã vượt qua một số thử nghiệm nhất định và được phép bán trên thị trường EU và Khu vực Kinh tế Châu Âu.
*Đây là bài cung cấp thông tin, Vinacontrol CE không hỗ trợ dịch vụ này
1. Chứng nhận CE là gì?
CE (Conformité Européenne) có nghĩa là ‘Tuân thủ Tiêu chuẩn Châu Âu’. Chứng nhận CE là chỉ thị an toàn của Liên Minh Châu Âu (EU) thể hiện sản phẩm đã vượt qua một số thử nghiệm nhất định và được phép bán trên thị trường EU và Khu vực Kinh tế Châu Âu.
Dấu CE thể hiện tuyên bố của nhà sản xuất rằng các sản phẩm tuân thủ phương pháp tiếp cận mới của EU quy định. Các chỉ thị này không chỉ áp dụng cho các sản phẩm trong EU mà còn cho các sản phẩm được sản xuất hoặc thiết kế để bán trong EEA. Điều này làm cho dấu CE được công nhận trên toàn thế giới ngay cả với những người không quen thuộc với EEA.
Dấu CE là một biểu tượng phải được gắn trên nhiều sản phẩm trước khi chúng có thể được bán trên thị trường Châu Âu. Dấu CE thể hiện sản phẩm:
- Đáp ứng các yêu cầu của các chỉ thị liên quan về sản phẩm của Châu Âu;
- Đáp ứng tất cả các yêu cầu của tiêu chuẩn an toàn và hiệu suất được công nhận có liên quan của Châu Âu;
- Phù hợp với mục đích của nó và sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc tài sản.
Mẫu dấu chứng nhận CE Marking
✍ Xem thêm: Tiêu chuẩn CE Marking | Nhãn CE cho khẩu trang y tế
2. Danh mục sản phẩm cần chứng nhận CE vào EU
Dưới đây là danh mục sản phẩm hàng hóa cần phải có dấu CE để đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU:
Tên Chỉ Thị (Directive) | Sản Phẩm Áp Dụng | Quy Định Liên Quan |
---|---|---|
Chỉ thị về thiết bị điện (LVD) - 2014/35/EU | Thiết bị điện và điện tử có điện áp từ 50V đến 1000V AC và từ 75V đến 1500V DC | Đảm bảo an toàn điện, bảo vệ người sử dụng khỏi các nguy cơ về điện giật và nhiệt độ cao. |
Chỉ thị về tương thích điện từ (EMC) - 2014/30/EU | Các thiết bị điện và điện tử | Đảm bảo thiết bị không gây nhiễu điện từ và chịu được mức nhiễu điện từ từ các thiết bị khác. |
Chỉ thị về thiết bị y tế (MDD) - 93/42/EEC và MDR - 2017/745/EU | Thiết bị y tế | Đảm bảo an toàn và hiệu quả của các thiết bị y tế khi sử dụng. |
Chỉ thị về thiết bị áp lực (PED) - 2014/68/EU | Các thiết bị chứa áp suất như nồi hơi, bình chứa áp suất | Đảm bảo an toàn cho thiết bị khi chịu áp lực. |
Chỉ thị về thiết bị và hệ thống bảo vệ dùng trong môi trường dễ cháy nổ (ATEX) - 2014/34/EU | Thiết bị dùng trong môi trường có nguy cơ cháy nổ | Đảm bảo thiết bị không gây cháy nổ khi sử dụng trong môi trường nguy hiểm. |
Chỉ thị về máy móc (MD) - 2006/42/EC | Các loại máy móc công nghiệp và dân dụng | Đảm bảo an toàn cơ học, vệ sinh và bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng máy móc. |
Chỉ thị về đồ chơi an toàn (Toy Safety Directive) - 2009/48/EC | Đồ chơi trẻ em | Đảm bảo an toàn cho trẻ em khi sử dụng đồ chơi, bao gồm các yêu cầu về vật liệu và thiết kế. |
Chỉ thị về thiết bị đo lường (MID) - 2014/32/EU | Các thiết bị đo lường như đồng hồ đo nước, khí, điện | Đảm bảo độ chính xác và đáng tin cậy của các thiết bị đo lường. |
Chỉ thị về thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) - 2016/425/EU | Các thiết bị bảo hộ cá nhân như mũ bảo hiểm, găng tay, kính bảo hộ | Đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi làm việc trong môi trường nguy hiểm. |
Chỉ thị về các sản phẩm xây dựng (CPR) - 305/2011/EU | Các sản phẩm xây dựng như xi măng, bê tông, kính, thép | Đảm bảo chất lượng và an toàn của các sản phẩm xây dựng trong công trình. |
Chỉ thị về tiết kiệm năng lượng của thiết bị tiêu thụ năng lượng (Ecodesign) - 2009/125/EC | Các thiết bị tiêu thụ năng lượng như tủ lạnh, máy giặt, bóng đèn | Đảm bảo hiệu suất năng lượng của thiết bị, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và bảo vệ môi trường. |
Chỉ thị về phương tiện giao thông đường bộ (RMD) - 2007/46/EC | Phương tiện giao thông đường bộ như ô tô, xe máy | Đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu khí thải và bảo vệ người tham gia giao thông. |
Bảng này liệt kê một số chỉ thị chính và các sản phẩm cần chứng nhận CE Marking, cùng với các quy định liên quan. Các quy định này được áp dụng nhằm đảm bảo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe người sử dụng trước khi được phép lưu hành trên thị trường châu Âu.
Nhãn dán CE được thể hiện trên sản phẩm
✍ Xem thêm: Điều kiện xuất hàng sang EU | 04 tiêu chuẩn cần đáp ứng
3. Chứng nhận CE MARKING mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?
CE Marking là một dấu chứng nhận cần thiết cho doanh nghiệp đối với một số sản phẩm khi muốn xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Ở châu Âu người ta không chỉ quan tâm đến chất lượng của sản phầm mà còn đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chỉ có các sản phẩm an toàn, hoàn thiện và có chất lượng tốt mới tồn tại được tại thị trường châu Âu – đó là lý do tại sao có dấu CE. Vì thế dấu CE là rất quan trọng mà doanh nghiệp cần tìm hiểu trước khi có ý định xuất khẩu hàng vào thị trường châu Âu.
- Dấu “CE Marking” trên sản phẩm bảo đảm sự lưu thông tự do và là “Giấy thông hành” giúp sản phẩm của bạn dễ dàng tiếp cận toàn bộ thị trường EU và thị trường EFTA (European Free Trade Association) ;
- Khẳng định độ an toàn, chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng;
- Dấu CE được coi như “Biểu tượng của chất lượng sản phẩm” giúp nâng cao thương hiệu, chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng năng lực xuất khẩu;
- Mở rộng tầm hiểu biết về Thiết kế phát triển sản phẩm, nền tảng của công nghệ tiên tiến;
- Mở rộng thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới.
Công bố hợp chuẩn châu Âu là điều kiện tiên quyết để sản phẩm của doanh nghiệp có thể thâm nhập vào thị trường châu Âu. Khi sản phẩm của doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để lọt vào thị trường châu Âu, đây chính là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều thị trường mới trên thế giới, hàng hóa được phân phối toàn quốc, đây là điều thuận lợi cho công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể mang thương hiệu và sản phẩm của mình tới nhiều nước trên thế giới. Điều này góp phần làm tăng doanh thu, giải quyết được vấn đề việc làm cho nhiều người, làm tăng nền kinh tế nước nhà.
✍ Xem thêm: Chứng nhận FDA là gì? Thông tin chi tiết
4. Quy trình đánh giá chứng chỉ CE MARKING
- Bước 1: Thu thập thông tin (xác định phạm vi chứng nhận);
- Bước 2: Đánh giá thử (nếu cần): Đánh giá sơ bộ để xác định mức độ đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn;
- Bước 3: Đánh giá chính thức (02 giai đoạn):
- Giai đoạn 1: Đánh giá tài liệu, hồ sơ và/hoặc tại hiện trường để xác định sự sẵn sàng của hệ thống;
- Giai đoạn 2: Đánh giá tại hiện trường toàn bộ các yếu tố theo yêu cầu của tiêu chuẩn.
- Bước 4: Xử lý hành động khắc phục (nếu có), cấp giấy chứng nhận CE cho doanh nghiệp;
- Bước 5: Đánh giá giám sát định kỳ nhằm đảm bảo hệ thống quản lý tiếp tục được duy trì và cải tiến hiệu lực và hiệu quả;
Giấy thông hành cho sản phẩm vào khu vực Châu Âu
✍ Xem thêm: CO CQ là gì? Phân biệt và áp dụng chúng thế nào
5. Thông tin cần biết về nhãn dán CE
Nhà sản xuất có sản phẩm thỏa mãn các quy định của EU có thể nộp đơn đến các tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn được cấp phép ở bất cứ nước thành viên EU nào để được cấp chứng nhận tiêu chuẩn EU. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, nhà sản xuất có thể đóng nhãn CE cho sản phẩm của mình và công bố sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn EU.
Tuy nhiên, đối với một số sản phẩm, nhà sản xuất có thể lựa chọn tự đánh giá sản phẩm của mình là phù hợp với các yêu cầu của EU và gắn nhãn CE sau khi tuyên bố sản phẩm hợp chuẩn. Tuy nhiên, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc tuyên bố của mình. Các nhà sản xuất cần cân nhắc các yếu tố dưới đây trước khi tuyên bố hợp chuẩn.
- Đảm bảo sản phẩm phù hợp với tất cả các yêu cầu trên toàn EU;
- Xác định xem liệu có thể tự đánh giá sản phẩm của mình là hợp chuẩn hay cần phải có chứng nhận của cơ quan tiêu chuẩn của EU được chỉ định;
- Lập một bộ tài liệu kỹ thuật phù hợp;
- Dự thảo và ký một tuyên bố sản phẩm hợp chuẩn EU;
- Khi sản phẩm được gắn nhãn CE, nếu cơ quan có thẩm quyền của EU yêu cầu, nhà sản xuất phải cung cấp cho họ tất cả thông tin và tài liệu hỗ trợ liên quan đến việc gắn nhãn CE.Đối với các sản phẩm có rủi ro an toàn cao hơn các cơ quan cấp giấy chứng nhận CE bắt buộc phải kiểm tra độ an toàn trước khi cấp giấy chứng nhận.
*Đây là bài cung cấp thông tin, Vinacontrol CE không hỗ trợ dịch vụ này
Tin tức liên quan