Những thay đổi về kiểm tra chất lượng theo Nghị định 74/2018
Từ ngày 01/07/2018, Nghị định 74/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/05/2018 chính thức có hiệu lực. Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 hướng dẫn thi hành Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, các quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất và nhập khẩu cũng có nhiều thay đổi.
1. Quy định rõ các biện pháp để công bố hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa
Trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường, ngoài thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm theo các quy định tại Điều 28 và Điều 34 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, người sản xuất trong nước và người nhập khẩu còn đồng thời phải tuân thủ Điều 19b của Nghị định mới này khi có sử dụng mã số, mã vạch trên sản phẩm, hàng hóa hoặc bao bì của chúng.
Đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn), người sản xuất và người nhập khẩu phải thực hiện công bố hợp quy sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Việc công bố hợp quy được quy định chi tiết tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo một trong các biện pháp sau:
- Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;
- Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật;
- Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật.
Vinacontrol CE thực hiện kiểm định chất lượng hàng hóa, sản phẩm
2. Gỡ vướng mắc về thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu
Đặc biệt, Nghị định 74/2018/NĐ-CP đã nêu rõ: “Đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu, việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa được thực hiện thông qua việc xem xét hoạt động công bố hợp quy của người nhập khẩu”. Với từng biện pháp căn cứ công bố hợp quy nêu trên, Nghị định này cũng quy định cụ thể những thủ tục người nhập khẩu cần phải có khi đăng ký kiểm tra nhà nước và thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký.
Đối với việc công bố hợp quy dựa trên kết quả của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật, ngoài thủ tục cần thiết khi đăng ký kiểm tra, các doanh nghiệp có thể xem chi tiết các bước xử lý và nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu của cơ quan kiểm tra tại khoản 2c Điều 7 được bổ sung theo Nghị định 74/2018/NĐ-CP.Như vậy, người nhập khẩu cần lựa chọn một tổ chức đánh giá sự phù hợp được các cơ quan có thẩm quyền chỉ định thực hiện kiểm tra, chứng nhận. Tổ chức đó phải thực sự uy tín, chính xác về quy trình nghiệp vụ. Việc lựa chọn được tổ chức chứng nhận uy tín sẽ được cơ quan hải quan tin tưởng, giúp doanh nghiệp dễ dàng thông quan hơn, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí nhất.
Để thương mại sản phẩm trên thị trường doanh nghiệp cần phải thực hiện công bố chất lượng sản phẩm
3. Nhiều loại hàng hóa nhóm 2 được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu
Nếu trước đây, Nghị định 132/2008/NĐ-CP chỉ quy định: “Việc miễn, giảm kiểm tra chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận đã áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực được thực hiện theo quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực” thì Nghị định mới này đã nêu rõ 15 loại sản phẩm, hàng hóa được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu. Để được miễn giảm kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, người nhập khẩu phải có văn bản đề nghị miễn kiểm tra với các thông tin sau: Tên hàng hóa, nhãn hiệu, kiểu loại; đặc tính kỹ thuật; xuất xứ, nhà sản xuất; số lượng, khối lượng nhập khẩu theo đăng ký; đơn vị tính; kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của 03 lần liên tiếp.
4. Bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh
Nghị định đã bổ sung Điều 13a quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường. Sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường phải đảm bảo không gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường không phù hợp về yêu cầu an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc có khả năng gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý, thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó và thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Mọi câu hỏi hay yêu cầu về dịch vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa liên hệ Vinacontrol CE hotline 1800.6083, email vnce@vnce.vn hoặc để lại thông tin liên lạc để được hỗ trợ tốt nhất.
Tin khác