Lợi ích cho Việt Nam khi đăng cai APEC 2017

Việt Nam tự hào là nước chủ nhà đăng cai các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, góp phần vào sự phát triển của diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, qua đó Việt Nam có thể đạt được nhiều lợi ích về chính trị và kinh tế.

Theo Bộ Công Thương, APEC 2017 hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đẩy mạnh quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác song phương, đồng thời là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Việc tổ chức thành công hội nghị APEC 2017 được kỳ vọng sẽ không chỉ đem lại cho Việt Nam những đánh giá cao trong công tác tổ chức, mà còn thể hiện vai trò người dẫn đường của Việt Nam

Nâng cao vị thế của Việt Nam


APEC ra đời cách đây gần 3 thập kỷ và có 21 nền kinh tế thành viên. Việt Nam mới gia nhập diễn đàn này được gần 20 năm, nhưng đây đã là lần thứ hai Việt Nam được chọn là quốc gia tổ chức các sự kiện APEC. Điều này cho thấy sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Việc tổ chức thành công hội nghị APEC 2017 được kỳ vọng sẽ không chỉ đem lại cho Việt Nam những đánh giá cao trong công tác tổ chức, mà còn thể hiện vai trò người dẫn đường của Việt Nam trong diễn đàn vào một thời điểm thế giới đối mặt nhiều thách thức kinh tế và chính trị.
Một phần do những lợi ích của toàn cầu hóa chưa đường phân bố đồng đều, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Điều này được thể hiện rõ nét qua hai sự kiện lớn của năm 2016 là việc cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời bỏ Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, và cử tri Mỹ chọn ông Donald Trump làm Tổng thống.
Thời gian qua, nhiều định chế lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về những rủi ro mà sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ có thể đặt ra cho nền kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo công bố ngày 9/5, IMF nói rằng bảo hộ thương mại sẽ là một nhân tố đe dọa tăng trưởng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam với vai trò chủ nhà APEC 2017 đề xuất chủ đề hoạt động cho năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, với mục đích thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác kinh tế sâu rộng hơn và tăng cường hội nhập trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết Việt Nam đã xây dựng và được các nền kinh tế ủng hộ, thống nhất 4 ưu tiên hợp tác của năm APEC 2017, bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. 
Với chủ đề và những ưu tiên như trên, APEC 2017 với sự chủ trì và dẫn dắt của Việt Nam dự kiến sẽ đưa ra những sáng kiến, biện pháp và chính sách cụ thể, thiết thực nhằm tạo ra những lợi ích gắn liền với người dân và doanh nghiệp trong khu vực.
“Năm APEC Việt Nam 2017 đến nay mới đi được gần một nửa chặng đường. Tuy nhiên, nhìn vào những gì đã đạt được, bạn bè và đối tác trong cũng như ngoài Diễn đàn đều trân trọng, đánh giá cao từ công tác tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp, đến những đề xuất, sáng kiến chủ động, tích cực của Việt Nam thúc đẩy hợp tác, liên kết APEC”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nói trong một bài viết về APEC 2017.


Tăng cường hợp tác song phương


APEC là diễn đàn khu vực hội tụ các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới và là diễn đàn liên kết kinh tế quy mô lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương. Các nền kinh tế trong diễn đàn chiếm tổng cộng 39% dân số thế giới, 59% GDP toàn cầu, 48% thương mại quốc tế và chiếm khoảng 53% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới.
Hiện nay, 13 trong tổng số 15 các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là với 18 nền kinh tế thành viên APEC. 7 nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia, và Singapore.
Vì vậy, ngoài việc đóng góp vào thành công chung của hợp tác đa phương APEC 2017, Việt Nam sẽ có cơ hội đưa mối quan hệ song phương với các nền kinh tế thành viên APEC lên một tầm cao mới với chiều sâu và hiệu quả hơn nữa. 
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tiếp xúc song phương với các thành viên nhằm trao đổi các phương hướng về chiến lược, biện pháp cụ thể làm sâu sắc hơn các quan hệ, hợp tác để bắt kịp với những chuyển biến nhanh chóng hiện nay của nền chính trị-kinh tế thế giới đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp, đồng thuận, nâng tầm ảnh hưởng của nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, trong đó có APEC, ASEAN, ASEM, WTO…


Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam


Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với quy mô và tầm quan trọng của mình, APEC khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp uy tín hàng đầu thế giới sang làm ăn, kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam, tạo ra cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác và phát triển.
Thứ nhất, APEC 2017 sẽ mang lại cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam để tác động tích cực vào việc thay đổi thể chế, chính sách. 
Với hơn 200 sự kiện lớn nhỏ, 8 hội nghị bộ trưởng, cấp bộ trưởng, tương đương bộ trưởng và đặc biệt là sự kiên được mong chờ nhất với phía doanh nghiệp là hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC tại Đà Nẵng, APEC 2017 sẽ luôn có các hoạt động tương tác gần gũi, thiết thực giữa doanh nghiệp với các quan chức cao cấp, các nhà hoạch định chính sách. 
Chính sự tương tác này và cùng với sự quan tâm, lắng nghe của các nhà hoạch định chính sách sẽ chuyển hóa thành những chính sách, những cam kết của APEC đem lại tác động thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 
Và thứ hai, sự hội tụ của các nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực và thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia… cùng hơn 1.000 doanh nghiệp quốc tế thuộc các thành viên APEC đến Việt Nam trong dịp diễn ra sự kiện APEC 2017 sẽ mang lại nhiều cơ hội để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn.
Chính vì vậy, Năm APEC 2017 được coi là thời điểm có ảnh hưởng tích cực tới các doanh nghiệp Việt nhằm tương tác với cơ quan chức năng, tác động vào các thể chế, chính sách cũng như để học tập kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh và tạo dựng quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác phát triển hơn trong khu vực.

Tin khác

Kiểm tra mối hàn bằng phương pháp không phá hủy

Kiểm tra mối hàn bằng phương pháp không phá hủy.

Thông tư số 19/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động

thông tư số 19/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe...

Thông tư 07/2012/TT-BLĐTBXH thiết bị bảo vệ đường hô hấp Bộ lọc bụi

Thông tư 07/2012/TT-BLĐTBXH thiết bị bảo vệ đường hô hấp Bộ lọc bụi

Thông tư 27/2016/TT-BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thức ăn chăn nuôi

Thông tư 27/2016/TT-BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thức ăn chăn...

Thông tư số 33/2015/TT-BCT về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện

Thông tư số 33/2015/TT-BCT về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng...

Xuất khẩu gỗ ở Việt Nam có tín hiệu khả quan

Với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 742 triệu USD, EU là thị trường xuất khẩu lớn...

Thông tư 240.2016/TT-BTC về Đơn giá dịch vụ Kiểm định y tế

Thông tư về quy định giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ...